Accessibily Design: Từ Nghĩa Vụ Pháp Lý Đến Lợi Ích Kinh Doanh
Accessibility Design không chỉ là nghĩa vụ của doanh nghiệp, mà còn là một chiến lược kinh doanh khôn ngoan, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và có những đóng góp tích cực vào cộng đồng.
Theo quy luật cuộc sống, cơ thể chúng ta đều già đi và khả năng nghe, nhìn, hiểu, và di chuyển dần lão hoá theo thời gian. Accessibility Design không chỉ đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của người khuyết tật mà còn là sự chuẩn bị cho chính bản thân chúng ta trong tương lai. Đối với doanh nghiệp, Accessibility Design mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển và nâng cao trải nghiệm người dùng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu Accessibility Design là gì, khái niệm về Curb Cut Effect, và lý do tại sao các doanh nghiệp nên quan tâm đến Accessibility Design.
Accessibility Design là gì?
Accessiblity Design là một hướng tiếp cận trong thiết kế, nhằm nâng cao trải nghiệm sử dụng sản phẩm cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người có khiếm khuyết (disabilities) hoặc đang gặp khó khăn. Những khó khăn này có thể là do thương tổn vĩnh viễn (permanent), tạm thời (temporary), hoặc trong một số hoàn cảnh đặc biệt (situational).
Mỗi nhóm người dùng đều có những khó khăn riêng biệt, và để tạo nên một trải nghiệm người dùng hoàn thiện, chúng ta cần chú ý đến nhiều khía cạnh khác nhau trong sản phẩm hay dịch vụ.
Visual (Thị giác). Cung cấp các công nghệ trợ năng (assistive technology) như Screen Reader, giúp người khiếm thị tương tác với máy tính hay điện thoại bằng cách chuyển đổi nội dung trên màn hình thành âm thanh, cho phép họ điều khiển bằng giọng nói hoặc bàn phím thay vì sử dụng chuột. Ngoài ra, cho phép họ tuỳ chỉnh kích thước size chữ, và cung cấp các chế độ High-Contrast Mode, Blindness Mode,… giúp những người có thị lực kém hoặc bị mù màu dễ dàng tiếp thu nội dung trên màn hình hơn. Một ví dụ khác là tính năng VoiceOver trên các thiết bị của Apple, hỗ trợ đọc thành tiếng (read out loud) tất cả nội dung trên màn hình, giúp người dùng nắm bắt và tương tác thông qua giọng nói hoặc các cử chỉ đơn giản.
Content (Nội dung). Sử dụng ngôn ngữ đơn giản và rõ ràng để giúp những người gặp khó khăn về nhận thức dễ dàng hiểu và tiếp thu nội dung.
Auditory (Thính giác). Đảm bảo nội dung âm thanh tiếp cận được cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người khiếm thính. Sử dụng thông báo bằng hình ảnh hoặc rung thay vì chỉ dựa vào âm thanh. Ngoài ra, cung cấp phụ đề cho tất cả video và bổ sung ngôn ngữ ký hiệu (sign language) cho các sự kiện trực tiếp.
Motor/Mobility (Vận động/di chuyển). Đảm bảo người dùng có thể dễ dàng tương tác với sản phẩm dù họ có giới hạn về vận động. Cung cấp tùy chọn điều khiển bằng giọng nói, như tính năng Voice Control của Apple, đặc biệt hữu ích cho những người khuyết tật gặp khó khăn trong việc tiếp cận các phương thức nhập liệu truyền thống như bàn phím hoặc chuột.
Cognitive (Nhận thức). Đơn giản hóa giao diện và nội dung để giúp những người gặp khó khăn về nhận thức có thể dễ dàng sử dụng sản phẩm. Chia nhỏ các bước thực hiện tác vụ giúp họ không bị quá tải. Ngoài ra, cung cấp các hướng dẫn bằng hình ảnh minh họa hoặc video hỗ tiếp thu thông tin hiệu quả hơn. Trên iOS 17, Apple đã cho ra mắt một tính năng gọi là Assistive Access, giúp đơn giản hóa việc điều hướng và tương tác với thiết bị.
Speech (Trò chuyện). Nhà vật lý học cực kì nổi tiếng Stephen Hawking không may mắc phải căn bệnh khiến ông không thể vận động nói chuyện, nhưng ông vẫn có thể giao tiếp với mọi người nhờ sự trợ giúp của tính năng Text-to-Speech chuyển đổi văn bản thành âm thanh giọng nói. Hoặc khi bạn đang tham quan một đất nước xa lạ, chức năng Live Translation của Apple sẽ giúp bạn dịch ngôn ngữ, cho phép bạn trò chuyện dễ dàng với người đối diện.
Environmental (Môi trường). Đảm bảo sản phẩm có thể hoạt động hiệu quả trong nhiều điều kiện “môi trường” khác nhau. Ví dụ, responsive design giúp người dùng sử dụng sản phẩm trên nhiều loại thiết bị khác nhau. Hoặc khi họ đang trong những điều kiện bất lợi như kết nối internet kém hoặc không có internet, chúng ta nên cung cấp chế độ Offline Mode. Ngoài ra, trong điều kiện ánh sáng yếu, chế độ Dark Mode giúp giảm căng thẳng cho mắt và tăng khả năng tiếp thu cho người dùng, đặc biệt là những người mắc hội chứng sợ ánh sáng (photophobia).
Accessibility Design tạo nên Curb Cut Effect
Accessibility Design không chỉ gói gọn trong phạm vi tạo điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện trải nghiệm cho tất cả người dùng. Accessibility Design góp phần tạo nên Curb Cut Effect.
Curb Cut Effect là khi một sự thay đổi hay cải tiến ban đầu được áp dụng cho một nhóm đối tượng cụ thể, nhưng sau đó lại vô tình mang đến lợi ích cho nhiều nhóm đối tượng hơn. Nguồn gốc thuật ngữ ‘curb cut’ là dùng để mô tả phần đường dốc nối từ vỉa hè xuống dưới lòng đường, với mục đích hỗ trợ người khuyết tật sử dụng xe lăn có thể di chuyển dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chúng cũng vô tình đem lại lợi ích cho các bậc cha mẹ đẩy xe nôi, khách du lịch kéo vali, người giao hàng, và thậm chí cả những người đi xe đạp hoặc trượt ván.
Một số ví dụ của Curb Cut Effect:
Phụ đề (Closed Captioning) ban đầu được tạo ra để hỗ trợ người khiếm thính theo dõi nội dung truyền hình và video. Tuy nhiên, theo thời gian, nó đã trở thành một công cụ hữu ích cho việc học ngôn ngữ, theo dõi nội dung trong môi trường ồn ào, hoặc khi không thể bật âm thanh.
Tin nhắn văn bản (SMS) được phát triển với mục đích ban đầu như một công cụ giao tiếp cho cộng đồng người khiếm thính. Qua thời gian, nó đã trở thành một trong những hình thức liên lạc được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu ở mọi lứa tuổi.
Cửa tự động được thiết kế để hỗ trợ những người khuyết tật gặp khó khăn trong việc di chuyển, nhưng chúng cũng trở nên hữu ích trong trường hợp mang vác đồ, đẩy xe nôi, hoặc di chuyển trong khu vực đông đúc.
Sách nói (Audiobooks) ban đầu được tạo ra cho người khiếm thị để họ có thể tiếp cận với văn học. Nhưng ngày nay, chúng ta có thể tận dụng sự tiện lợi để vừa nghe vừa làm việc nhà, chạy bộ, hay lái xe.
Tại sao doanh nghiệp cần quan tâm đến Accessibility Design?
Tại nhiều quốc gia, việc đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ có thể tiếp cận (accessible) với mọi người không chỉ là một sự lựa chọn mà là một yêu cầu bắt buộc về mặt pháp lý. Các quy định như Americans with Disabilities Act (ADA) hay European Accessibility Act (EAA) yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn như Web Content Accessibility Guidelines (WCAG). Việc không chấp hành có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý nghiêm trọng, bao gồm các khoản phạt tiền lớn và tổn hại đáng kể đến uy tín của doanh nghiệp.
Mặc dù việc tuân thủ là bắt buộc, thế nhưng Curb Cut Effect chỉ ra rằng những nỗ lực giúp đỡ các nhóm yếu thế và khiếm khuyết có thể tạo ra những lợi ích lan tỏa cho toàn xã hội. Hiện nay có hơn 1 tỷ 8 người khiếm khuyết trên toàn thế giới. Doanh nghiệp không chỉ phục vụ tốt hơn cho khách hàng có nhu cầu đặc biệt mà còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ dễ tiếp cận hơn cho tất cả mọi người. Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn mở rộng thị trường tiềm năng và nâng cao uy tín thương hiệu.
Accessibility Design không chỉ là nghĩa vụ của doanh nghiệp, mà còn là một chiến lược kinh doanh khôn ngoan, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và có những đóng góp tích cực vào cộng đồng.
Đọc thêm
https://www.coursera.org/learn/start-ux-design-process/lecture/9HKeZ/understand-the-curb-cut-effect
https://www.facebook.com/theharmoniaproject/posts/curb-cut-effect-khi-kh%C3%B4ng-ch%E1%BB%89-m%E1%BB%99t-%C4%91%E1%BB%91i-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-l%E1%BB%A3i-trong-l%C3%A0n-s%C3%B3ng-%C4%91%E1%BB%95i-m%E1%BB%9B/387515177263135/