Dành cho người mới bắt đầu UI/UX
Theo mình hướng đi tối ưu nhất là hãy cân bằng lượng kiến thức lý thuyết và lý thuyết thực hành. Việc học thiết kế không bao giờ tiến xa khi chỉ đọc, nghe và nhìn thiết kế của người khác.
Mình tốt nghiệp đại học ngành điện tử viễn thông, sau đó chuyển sang học và thực tập Graphic Design nhưng thấy không phù hợp. Mình lại tiếp tục tự học UIUX và kiếm được một công việc đầu tiên (có lương) vào năm 2019, và theo nghề cho đến giờ đã được 5 năm.
Trong quá trình tự học, rèn luyện, và mentor, mình rút ra được những kinh nghiệm như sau:
Học phải đi đôi với hành. Lý thuyết về tư duy thiết kế phải đi kèm với việc rèn luyện thường xuyên thông qua sử dụng công cụ. Rất nhiều người cho rằng “học tư duy quan trọng hơn là học công cụ”. Cái này đúng với những người lâu năm trong nghề khi họ đã nắm vững các công cụ rồi, khi họ đã đạt được những thứ bậc cao trong sự nghiệp, họ đang đứng ở một vị trí mà họ không cần đụng tay nhiều vào công cụ nữa. Nhưng đối với người mới, việc bạn sử dụng thành thạo công cụ để làm bài tập, để clone một thiết kế, để làm theo chỉ dẫn của leader, để hiện thực ý tưởng của bản thân… là hết sức trọng yếu. Theo mình hướng đi tối ưu nhất là hãy cân bằng lượng kiến thức lý thuyết và lý thuyết thực hành. Việc học thiết kế không bao giờ tiến xa khi chỉ đọc, nghe và nhìn thiết kế của người khác. Bạn phải bắt tay vô làm, tìm cách áp dụng một cách thực tiễn những gì người khác chỉ dẫn.
Biết tiếng anh quan trọng như biết Figma. Vì mọi thứ trong ngành này từ kiến thức, đến sách, đến chỉ dẫn (documentation),… tất tần tật mọi thứ đều bằng tiếng Anh. Nếu không biết tiếng Anh bạn sẽ rất khó mở rộng vùng hiểu biết của mình. Vì số lượng sách, khoá học, podcast, blog,… được dịch ra tiếng việt chiếm rất ít. Bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều tài liệu hay ho trên Medium, Substack, trên Coursera, Udemy, Youtube, trên Twitter, Reddit, LinkedIn, trên Amazon Books,… Không có cách nào khác giúp bạn có xuất phát điểm nhanh như việc biết tiếng anh. Đấy là chưa kể cơ hội tìm việc freelance lẫn full-time, remote của bạn đa dạng quốc gia hơn rất rất nhiều.
Đừng theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Thật sự rất bất hợp lý và có phần ngạo mạn khi đem so sánh sản phẩm của một người mới học như bạn, với sản phẩm của những người lâu năm trong nghề. Ở giai đoạn đầu khi học, khả năng thực hiện ý tưởng từ trong đầu ra vẫn còn kém, nếu quá cầu toàn và chạy theo các thiết kế với gu thẩm mỹ cao, bạn sẽ rất dễ bị stuck và nản. Kinh nghiệm của mình là chỉ cần làm ở mức “good enough” (80%) là được. Quan trọng là làm nhiều và đa dạng thể loại project (mobile app, web app, landing page, dashboard,…). Hãy kết thúc hoàn chỉnh một project dù nó còn nhiều chỗ khiếm khuyết. Đặt ra giới hạn thời gian, cũng như scope of work khi làm project, nó sẽ giúp bạn bớt sa đà vào các tiểu tiết lặt vặt.
Kiểm tra hạn sử dụng của kiến thức. Khi học công cụ thì nên xem coi tutorial đó đang xài phiên bản nào, có cập nhật cách làm theo các tính năng mới chưa. Một ví dụ là có đầy rẫy file trên Figma Community, và video trên Youtube vẫn còn dùng Frame và Group, họ dường như vẫn giữ thói quen thiết kế từ thời Photoshop, không dùng đến Auto Layout và Absolute Position. Rồi có những bạn làm prototype không biết dùng đến ‘Interactive Component’… Nói tóm lại hãy thường xuyên cập nhật các tin tức, phương pháp, cũng như là những tư duy mới mẻ để giúp cho workflow ngày càng hiệu quả hơn. Kinh nghiệm của mình là nếu một thứ nào đó được thực hiện quá phức tạp và mắc công, thì thường là cách làm sai.
Hãy tham gia vào ít nhất một cộng đồng offline. Cộng đồng offline có thể là một lớp học offline, hay một hội nhóm nào đó thường xuyên gặp mặt nhau. Mục đích là giúp bạn có được network và duy trì động lực theo đuổi ngành. Hội nhóm online thì nhiều đó nhưng được gặp mặt đối mặt, hoà trong không khí trực tiếp thì thực sự vẫn có cái gì đó khiến bạn đỡ cảm thấy cô đơn và lạc lõng khi mới chân ướt chân ráo theo ngành.