Work without pay is not a job, but work without motivation can certainly be one.
Tại sao một nhân viên văn phòng ngồi làm việc trong môi trường điều hoà mát mẻ, với mức lương dư dả ổn định, vẫn cảm thấy kiệt sức sau giờ làm và lạc lối về tương lai? Trong nhiều năm về trước, mình từng nghĩ rằng cụm từ ‘burnout’ ám chỉ khi một công việc vắt kiệt sức lực và khiến bạn không có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng sau khi đọc cuốn ‘Feel-Good Productivity’, mình mới hiểu thêm rằng có đến ba loại burnout, trong đó ‘misalignment burnout’ là kiểu burnout mà người ta thường ít được biết đến nhất.
Burnout là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), burnout không đơn giản chỉ xuất hiện khi bạn làm việc quá sức trong nhiều giờ đồng hồ. Thực tế, nó liên quan nhiều hơn đến trạng thái tâm lý của bạn đối với công việc. Khi công việc mất đi ý nghĩa và cảm xúc tích cực, chúng ta vẫn cảm thấy kiệt quệ dù thời gian làm việc không hẳn là dài. Chính sự mất đi nguồn động lực và thiếu gắn kết với công việc mới là nguyên nhân chính dẫn đến burnout, chứ không phải chỉ đơn thuần là số giờ làm việc quá nhiều.
Burn out được chia thành ba nhóm chính:
Overexertion Burnout
Depletion Burnout
Misalignment Burnout
Overexertion burnout
Đây là dạng burnout phổ biến mà chúng ta thường biết đến. Nguyên nhân chính dẫn đến overexertion burnout là do làm việc cường độ cao trong thời gian dài, khiến cả cơ thể lẫn tinh thần rơi vào trạng thái mệt mỏi và kiệt sức.
Depletion burnout
Depletion burnout xảy ra khi chúng ta không phục hồi năng lượng đúng cách sau công việc. Ví dụ, sau một ngày dài làm việc, bạn tắm rửa, ăn vội, rồi xem phim hoặc lướt điện thoại đến khuya. Điều này khiến cơ thể không kịp tái tạo năng lượng cho ngày hôm sau, thậm chí còn làm tăng căng thẳng. Thay vào đó, nếu dành thời gian tập thể dục hoặc đi dạo thư giãn trước khi ngủ, cơ thể và tinh thần sẽ hồi phục tốt hơn, sẵn sàng cho ngày làm việc mới.
Misalignment Burnout
Misalignment burnout ít được mọi người chú ý đến, xảy ra khi một công việc không còn mang đến ý nghĩa tích cực hay phù hợp với giá trị, mục tiêu hoặc sở thích cá nhân. Khi rơi vào tình cảnh này, chúng ta sẽ cảm thấy mất động lực và chán nản, mặc dù công việc có thể nhàn hạ hay mang lại nhiều phúc lợi. Sự mất kết nối giữa bản thân và công việc khiến mỗi ngày làm việc trở nên vô vị và nặng nề, làm cho người ta cảm thấy như mình đang lãng phí thời gian và năng lượng vào những điều vô nghĩa.
Điều này liên quan nhiều đến loại động lực thúc đẩy bạn hành động. Khi bạn bị thúc đẩy bởi các ‘động lực bên ngoài’ (extrinsic motivation) như định kiến, mặc cảm tội lỗi khi không thực hiện, hoặc sự công nhận của người khác, áp lực lâu dần sẽ tích tụ. Nếu không thể chuyển hoá các ngoại lực thành ‘động lực bên trong’ (intrinsic motivation), bạn sẽ chỉ đang cố gắng hoàn thành yêu cầu của người khác mà không còn tìm thấy niềm vui hay sự sáng tạo trong công việc.
Một công việc ý nghĩa có thể giúp bạn tránh khỏi burnout
Chúng ta có thể thấy rằng, burnout không nhất thiết phải xuất phát từ những công việc nặng nhọc và khó khăn. Đôi khi, những công việc tưởng chừng như nhàn hạ và “dễ dàng” lại hao tổn năng lượng của chúng ta nhiều hơn. Overexertion burnout và depletion burnout chỉ gây ra sự mệt mỏi nhất thời, nhưng về lâu dài, misalignment burnout lại âm thầm bào mòn nguồn động lực làm việc của bạn.
Hơn hết, nó cũng có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ‘quiet quitting’, khi nhân viên chỉ làm việc ở mức vừa đủ. Họ không còn hứng thú tham gia vào các hoạt động khác tại công ty, cũng như không còn quan tâm đến việc thăng tiến sự nghiệp. Trong cuốn How Will You Measure Your Life?, có một đoạn viết rằng:
…some of the hardest-working people on the planet are employed in nonprofits and charitable organizations. Some work in the most difficult imaginable – disaster recovery zones, countries gripped by famine and flood. They earn a fraction of what they would in the private sector. Yet it’s rare to hear of managers of nonprofits complaining about getting their staff motivated.
Những người làm việc trong các tổ chức phi lợi nhuận hay phục vụ tình nguyện tại các môi trường cực kì nguy hiểm như động đất, dịch bệnh, lũ lụt… có thể bị burnout bởi khối lượng công việc khổng lồ, nhưng rất hiếm khi chúng ta nghe thấy họ cảm thấy vô định hay mất động lực. Vậy điều gì giúp họ có thể vượt qua áp lực và khó khăn trong những điều kiệu khắc nghiệt đó?
Theo mình, chính cảm giác những hành động của bản thân mang lại ảnh hưởng tích cực cho người khác hoặc cho cộng đồng đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ. Khi họ nhận thấy công sức của mình giúp cải thiện cuộc sống của ai đó hoặc đóng góp vào sự thay đổi tương lai, điều này không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn, mà còn tiếp thêm ý chí để tiếp tục hành trình.
Kết bài
Hoá ra, ngoài việc có một số tiền đủ để trang trải cho các nhu cầu căn bản trong cuộc sống, chúng ta cần thực sự cảm thấy ý nghĩa trong công việc mình đang làm để tránh rơi vào misalignment burnout. Một công việc lương cao nhưng không khiến bạn cảm thấy có ích cho người khác hoặc tổ chức, theo thời gian sẽ dần làm hao mòn năng lượng sống và niềm đam mê cá nhân.