Tại sao giao diện của các app Trung Quốc lại rối rắm và hỗn độn?
Việc thấu hiểu các yếu tố về văn hoá, xã hội, và tâm lý người dùng là rất quan trọng.
Mình luôn cảm thấy khó hiểu khi nhìn vào các giao diện chứa đầy thông tin và chức năng như các app ở Trung Quốc (WeChat, Weibo, Shopee…). Cùng thực hiện chức năng gửi nhận tiền, nhưng PayPal lại được thiết kế tối giản hơn rất nhiều so với Alipay. Tại sao họ lại trình bày mọi thứ rối rắm và thêm nhiều chức năng phức tạp đến như vậy. Các quy tắc về thiết kế, khoảng trắng, định luật Hick, định luật Miller,… dường như bị bỏ qua hết?
Bài viết này với mục đích giải đáp các thắc mắc trên. Ý chính của bài viết sẽ bao gồm:
Super-app là gì?
Tại sao super-app được ưa chuộng tại Trung Quốc?
Sự khác biệt văn hoá trong thiết kế giao diện giữa phương Tây và Trung Quốc
Super-app là gì?
Còn được gọi là ‘siêu ứng dụng’ khi nó được tích hợp rất nhiều chức năng vào một app duy nhất. Thuật ngữ được dùng lần đầu tiên khi mô tả về WeChat ở Trung Quốc, khi ứng dụng này cho phép gửi nhận tiền, nhắn tin liên lạc, mua bán vật phẩm, lướt mạng xã hội, chơi games,… và rất nhiều tính năng khác. Tất cả dịch vụ trên đều chỉ gói gọn trong một ứng dụng.
Tại Trung Quốc, có rất nhiều nơi chỉ chấp nhận hình thức thanh toán thông qua WeChat, hoặc Alipay. Họ không nhận tiền mặt hay bất kì thẻ tín dụng nào. Sự thành công của WeChat tại quê nhà, đã tạo tiền đề cho các sản phẩm như Grab, Gojerk, Shopee, TikTok, Facebook, Telegram… cũng mong muốn phát triển theo mô hình siêu ứng dụng này.
Tại sao super-app được ưa chuộng tại Trung Quốc?
Lý do đầu tiên chính bởi sự đơn giản và trải nghiệm đồng nhất. Thử tượng tượng, sếp bạn nhắn tin nhờ bạn mua một ly cà phê, bạn đi đến cửa hàng và thanh toán, sau đó đặt taxi đến chỗ làm. Tất cả các hoạt động trên đều có thể thực hiện chỉ trong một ứng dụng duy nhất là WeChat. Người dân nơi đây không thích cài đặt nhiều ứng dụng cho mỗi nhu cầu khác nhau. Họ thích có một nơi tích hợp mọi thứ để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Ngoài ra, nếu chỉ sử dụng một app duy nhất, họ không cần phải quan tâm ghi nhớ mật khẩu, tài khoản thông tin, liên kết ví thanh toán…
Lý do thứ hai, xuất phát từ tâm lý mong muốn có nhiều thông tin và sự lựa chọn, từ đó đem đến cho người ta một cảm giác an toàn và thoả mãn. Gaode Map (một ứng dụng tương tự Google Map), không đơn giản chỉ xem bản đồ, nó có còn tích hợp cả dịch vụ đặt xe, so sánh giá giữa các hàng. Trái ngược với cảm giác quá tải khi tiếp nhận nhiều thông tin, họ cảm thấy an tâm hơn khi được lựa chọn nhiều phương án nhất có thể.
Một lý do gián tiếp khi sự phân mảnh phần cứng rất lớn ở hệ điều hành Android tại đất nước này. Nếu viết mỗi app riêng lẻ, thì lập trình viên cần phải tối ưu phần cứng và không gian hiển thị cho từng hãng điện thoại như Xiaomi, Huawei, Oppo,… Trong khi với super-app, mọi thứ mang lại một trải nghiệm tổng thể liền mạch, giúp tiết kiệm chi phí phát triển và bảo trì.
Sự khác biệt văn hoá trong thiết kế giao diện giữa phương Tây và Trung Quốc
Trung Quốc là một đất nước mang đậm nét High-context Culture, khi mọi thứ thường được diễn đạt bởi nhiều tầng lớp ý nghĩa xung quanh các ngữ cảnh. Trái ngược với giao diện ứng dụng ở các nước phương Tây, vốn dĩ theo Low-context Culture, họ tập trung đi thẳng vào vấn đề, không thích rườm rà lòng vòng.
Hệ thống chữ viết cũng một phần thể hiện điều này với các nét kí tự loằng ngoằng phức tạp kèm nhiều ẩn ý được viết gọn vào không gian hẹp của mỗi con chữ. Hơn hết, khi gõ phím trên điện thoại, các kí tự Trung Quốc cũng bất tiện hơn nhiều so với hệ thống chữ viết Latinh (A, B, C, D…), nên triết lý thiết kế UX sẽ có xu hướng trình bày ra sẵn các lựa chọn ra trước mặt mà không cần đụng đến chức năng search quá nhiều.
Trái ngược với sự tối giản trong triết lý thiết kế phương Tây “less is more” với nhiều khoảng trắng, padding thoáng đãng, và sự tinh giản trong giao diện. Thì ở thị trường Trung Quốc có vẻ như “more is more”, một ứng dụng sẽ cố gắng đem đến càng nhiều lựa chọn cho người dùng càng tốt.
Kết luận
Các triết lý thiết kế đa phần phổ biến từ các nước phương Tây, tuy nhiên các nguyên tắc này không phải lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp. Nhiều lúc cần phải linh hoạt để phù hợp với thị hiếu người dùng như TikTok có hai phiên bản dành cho thị trường quốc tế và nội địa.
Ngoài ra, với sự quản lý khắt khe của chính phủ, sự phát triển độc lập của Internet tại Trung Quốc dường như có một lối đi riêng. Nhìn qua các nước Châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay thậm chí Việt Nam, dường như xu hướng thiết kế giao diện cũng thấy sự tương đồng.
Tóm lại, việc thấu hiểu các yếu tố về văn hoá, xã hội, và tâm lý người dùng là rất quan trọng. Nó không chỉ giúp bạn có nhìn cởi mở và đa chiều hơn, mà là cơ hội để phát triển một ứng dụng tiến xa hơn trong thị trường quốc tế.
Hừm cái lý do Android phân mảnh -> viết super app mình thấy nó không hợp lý lắm. Bản chất Android nó phân mảnh sẵn và các hãng họ không thật sự quan tâm đến việc tối ưu UI cho từng device như bạn nói. Các devices hiện hành đều có kích thước tương đương nhau nên việc code để không vỡ UI không mấy phức tạp, việc optimized chủ yếu dành cho các máy màn hình gập thôi. Lí do chính mà mình nghĩ họ làm super app thay vì việc với app mới đó là việc reach tới toàn bộ người dùng thông qua app cũ, thay vì phải marketing thu hút người dùng tải app mới.
Hơn hết, khi gõ phím trên điện thoại, các kí tự Trung Quốc cũng bất tiện hơn nhiều so với hệ thống chữ viết Latinh
Phần bất tiện này chỉ là bất tiện đối với những người dùng hệ chữ romanji thôi ý.
Nếu nói về ngôn ngữ thì có thể đề cập việc chữ Trung Quốc tượng hình, khi nhìn vào chữ là họ đã nhận ra được đại khái nghĩa của nó là gì. Còn đối với tiếng Anh, nếu không học hoặc không tra từ điển sẽ không biết nghĩa từ đó là gì.
Ngoài ra, khu vực xung quanh Trung Quốc như các nước Nhật, Hàn, VN etc được xem là “đồng chủng đồng văn” nên đâu đó sẽ có văn hoá, xu hướng sử dụng app tương đồng nhau.